273 lượt xem

Bình yên Attapeu: Vùng biên giới thanh bình ở Nam Lào

Attapeu – vẻ đẹp bình dị giữa thiên nhiên hữu tình, con đường mềm mại, thời tiết mát mẻ. Khám phá những điều thú vị ở Attapeu, nơi tưởng chừng bình thường nhưng lại ẩn chứa những điều bất ngờ!

Tháng 7, lời rủ rê “Đi Lào đi, hay lắm” của nhỏ bạn khiến tôi quyết định xách ba lô lên đường. Vừa du lịch, vừa trốn cái nóng miền Trung, tôi vẫn hoài nghi về lời nó. Nửa ngày lắc lư trên những con đường dốc khúc khuỷu Tây Nguyên, tôi cuối cùng cũng đặt chân đến biên giới.

Khâu làm thủ tục qua cửa khẩu đơn giản nên tôi nhanh chóng xuất ngoại. Thời tiết hai bên biên giới trái ngược hẳn. Bên Việt Nam, nắng như đổ lửa, nóng bức như dòng máu sôi sục trong người trai Tây Nguyên. Vượt qua vài cây số sang Lào, cái nóng hầm hập biến mất, nhường chỗ cho những áng mây lãng đãng trên rừng già. Không khí mát mẻ, dịu dàng như nụ cười của thiếu nữ Lào. Giọng hát trong trẻo vang lên từ hàng ghế sau: “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, Bên nắng đốt, bên mưa quây. Em giang tay, em xòe tay, Chẳng thể nào mà xua tan mây, chẳng thể nào mà che anh được…”. Giọng hát ấy như miêu tả chính xác thời tiết hai bên biên giới, nơi chúng tôi vẫn thường nghêu ngao trong những buổi sinh hoạt tập thể.

Bình yên Attapeu, biên giới Nam Lào.

Bình yên Attapeu, biên giới Nam Lào.

Nắng gắt đổ xuống cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), không khí oi bức.

Con đường ngoằn ngoèo dẫn du khách vào sâu lòng đất nước, nơi màu xanh ngắt của đại ngàn bao trùm. Những vạt rừng mênh mông, những thân cây cổ thụ sừng sững, những dáng cây hiên ngang vươn thẳng lên trời, khiến con người trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Nét dịu dàng của sắc hồng trên dây leo quấn quít thân cây già, sắc tím mộng mơ của hoa li ti bên đường, cánh bướm chập chờn trong chiều hè đầy gió, tô điểm cho bức tranh xanh bao la. Con đường quanh co, đèo dốc uốn lượn mềm mại quanh sườn núi hiểm trở, cheo leo, núp mình dưới tán rừng rậm rạp. Vài giọt mưa hắt chéo ngược chiều chuyến xe đang lao tới. Áp mặt vào kính xe, tôi cảm nhận hơi nước lành lạnh phả vào má, lòng tràn đầy hứng thú với hành trình đến xứ sở hoa Champa.

Samakhixay, huyện sầm uất nhất tỉnh Attapeu miền biên giới Nam Lào, đón chúng tôi trong màn đêm nhá nhem. Gió rì rào qua hàng cây như lời chào hỏi của vùng đất lạ. Mưa mùa này đã bắt đầu rơi, giăng kín bầu trời đêm bởi những đám mây đùng đục. Ánh trăng hiếm hoi cố gắng len lỏi qua màn mưa, tỏa những tia sáng yếu ớt để xua tan bóng tối. Dẫu không trọn vẹn, ánh trăng ấy lại mang đến một cảm giác ấm áp kỳ lạ. Trên những ngọn cây, trong dòng nước, ánh trăng bàng bạc toả ra vẻ đẹp lãng mạn, nên thơ.

Bình yên Attapeu, biên giới Nam Lào.

Bình yên Attapeu, biên giới Nam Lào.

Cầu Xekong bắc ngang dòng sông cùng tên, bầu trời trong trẻo sau cơn mưa đêm. Mùi đất ẩm ướt hòa quyện với nắng sớm, xóa tan đi sự giận dữ của dòng phù sa. Ảnh: Thanh Bình

Sớm mai, chợ Xekong dưới chân cầu nhộn nhịp tấp nập. Những sạp hàng nhỏ san sát, lợp mái dù đủ màu sắc, nhìn từ xa như một bức tranh vui mắt. Rau xanh mướt, cá tươi rói, bày bán la liệt, tiếng gọi mời, tiếng mặc cả, tiếng cười rộn ràng… Không khí chợ sớm nơi đây chẳng khác gì ở Việt Nam. Tôi chợt thèm một bữa cơm gia đình, dù mới rời quê hương chưa lâu. Dường như, đi xa mới thấy nhớ những điều giản dị, bình thường nhất.

Bình yên Attapeu, biên giới Nam Lào.

Bình yên Attapeu, biên giới Nam Lào.

Dạo quanh hàng rau ở chợ, tôi thích thú hít hà mùi thơm tươi non của những loại rau mới cắt. Khí hậu và thổ nhưỡng tương đồng khiến nơi đây cũng có đủ rau muống, rau lang, đậu, cà… như ở Việt Nam. (Ảnh: Thanh Bình)

Bình yên Attapeu: Biên giới Nam Lào

Bình yên Attapeu: Biên giới Nam Lào

Chợ sớm nhộn nhịp, tấp nập người mua kẻ bán, tạo nên khung cảnh rộn ràng, đầy sức sống. (Ảnh: Thanh Bình)

Con đường dài, thưa thớt người của thị trấn dẫn tôi đến Wat Luang, một ngôi chùa lớn ở Samakhixay. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp lộng lẫy của chùa với những hình tháp cầu kỳ, hoa văn tinh xảo, màu sắc rực rỡ. Gam màu chủ đạo đỏ và vàng rực rỡ trong ánh chiều tà, được phối hợp hài hòa trên từng đường nét. Vẻ đặc trưng của văn hóa Lào thể hiện rõ nét trên khuôn mặt nhân từ và trang phục của các bức tượng thần. Có lẽ khi du nhập vào Lào, đạo Phật đã được bản địa hóa, trở nên gần gũi với dân chúng và hòa quyện với văn hóa địa phương.

Đến Lào mà không ghé thăm những ngôi chùa cổ kính, không ngắm nhìn hoa chăm pa rực rỡ, không chiêm ngưỡng sự uy nghiêm của các pho tượng Phật, bạn sẽ bỏ lỡ nét văn hóa đặc trưng nhất của đất nước Triệu voi.

Bình yên Attapeu - biên giới Nam Lào

Bình yên Attapeu – biên giới Nam Lào

Khu vực tháp thờ các Phật tử đã qua đời tọa lạc tại một góc chùa, nơi những công trình kiến trúc độc đáo được chạm trổ tỉ mỉ, mang nhiều kiểu dáng và kích thước khác nhau. Việc dựng các tháp thờ trong khuôn viên chùa là nét đặc trưng trong kiến trúc chùa chiền ở Lào, góp phần tạo nên một không gian trang nghiêm và thanh tịnh. Ảnh: Thanh Bình

Bình yên Attapeu - biên giới Nam Lào

Bình yên Attapeu – biên giới Nam Lào

Nắng vàng rực rỡ phủ lên ngôi chùa, tạo nên khung cảnh lung linh, huyền ảo.

Bình yên Attapeu, biên giới Nam Lào.

Bình yên Attapeu, biên giới Nam Lào.

Kiến trúc mái dốc là nét đặc trưng của nhiều ngôi chùa ở Lào, gợi nhớ đến đôi bàn tay cong vút của các cô gái trong điệu múa Lăm vông. Những đường cong uốn lượn trên họa tiết trang trí như muốn tái hiện sự mềm mại, uyển chuyển của điệu múa truyền thống này. (Ảnh: Thanh Bình)

Ánh nắng chiều nhuộm vàng mái chùa cong vút, lấp lánh trên từng nét hoa văn cổ kính, trên mỗi ngôi tượng trầm mặc, trên cả đám cỏ non xanh biếc. Xen lẫn trong gam màu rực rỡ là sắc trắng tinh khôi của hoa chămpa, loài hoa mang tên gọi thân thương “hoa sứ, hoa đại” ở Việt Nam. Nơi đây, chính là quốc hoa của xứ sở Chùa Vàng. Trong khuôn viên chùa, những cây chămpa xanh mướt được trồng dày đặc. Từ những mầm non mới nhú đến những thân cây cổ thụ đã trổ màu thời gian, gân guốc và xù xì, tất cả đều toát lên vẻ đẹp thanh tao, thư thái. Sắc hoa trắng tinh khiết như lời nhắc nhở lòng người phải thanh tịnh khi bước vào chốn thiền môn.

Hoa chămpa, quốc hoa của Lào, là biểu tượng đẹp đẽ được tôn vinh trong nhiều sự kiện văn hóa. Nét đẹp của hoa chămpa được thể hiện rõ nét trong trang phục truyền thống của phụ nữ Lào: từ bông hoa trắng muốt cài tóc, điểm xuyết nét vàng thanh tao, cho đến vòng hoa xâu chuỗi tặng khách quý. Hình ảnh bông chămpa còn được sử dụng trang trí trên những mâm lễ pha khuan trong các dịp lễ hội và nghi thức truyền thống, góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp rạng ngời cho văn hóa Lào.

Bình yên Attapeu, biên giới Nam Lào.

Bình yên Attapeu, biên giới Nam Lào.

Hoa Chămpa đẹp, hương thơm ngát, bao đêm ngày bên người, hương tháng năm vương vấn.

Bình yên Attapeu, biên giới Nam Lào.

Bình yên Attapeu, biên giới Nam Lào.

Cô gái Việt trên đất Lào, vẻ đẹp thanh tao toát ra từ tà áo dài trắng muốt. (Ảnh: Thanh Bình)

Buổi sáng sớm, du khách có thể chứng kiến nghi lễ khất thực (Tak Bat) độc đáo. Các nhà sư đi dọc các con đường, nhận đồ cúng dường từ người dân. Đây là nguồn thực phẩm duy nhất trong ngày của họ. Thức ăn cúng dường còn được chia sẻ với người nghèo và động vật trong chùa. Theo tinh thần Phật giáo Theravada, nghi lễ này giúp nhà sư hiểu cuộc sống người dân, mang lại công đức cho người cúng dường và cầu nguyện bình an cho họ.

Bình yên Attapeu - biên giới Nam Lào

Bình yên Attapeu – biên giới Nam Lào

Những nhà sư, chân trần, sẵn sàng cho hành trình khất thực buổi sớm.

Bình yên Attapeu - biên giới Nam Lào

Bình yên Attapeu – biên giới Nam Lào

Sự thành kính của người dân khi dâng thức ăn thể hiện rõ nét từ người trẻ đến người già. Đây là hoạt động mang tính tâm linh, do đó hãy ghi lại hình ảnh một cách tế nhị, tránh tiếp xúc gần. Nên đứng từ xa để chiêm ngưỡng trọn vẹn nghi thức thiêng liêng này.

Thời gian ngắn ngủi không cho phép tôi nán lại Attapeu lâu. Tạm biệt Attapeu, tôi tiếp tục hành trình. Nhưng thay vì chia tay hay hẹn gặp lại, tôi chỉ muốn nói Sabaidee Attapeu. Lời chào ấy mang theo cảm giác là người đến chứ không phải người đi, bởi tôi hy vọng sẽ quay lại đây một ngày không xa, để lại được bồi hồi xao xuyến trước mảnh đất này!

Tác giả Lê Việt An tham gia chương trình Chúng Tôi Go Global.