Hà Lệt, thôn nhỏ thuộc xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, là nơi sinh sống của chưa đến 100 người dân tộc Bru-Vân Kiều, nằm dọc suối dưới chân núi cao.
Bản nhỏ như một chiều Hà Lệt ngưng đọng, thảnh thơi và chậm rãi. Trong đôi mắt long lanh của những đứa trẻ Bru-Vân Kiều, ta như thấy thời gian khựng lại, để nhường chỗ cho những khoảnh khắc bình yên.
Nằm ẩn mình dưới những dãy núi hùng vĩ của huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, Hà Lệt là một thôn nhỏ thuộc xã Tân Thành. Thôn nằm dọc theo con suối hiền hòa, nơi cư trú của khoảng chưa đầy một trăm hộ dân tộc Bru-Vân Kiều. Hà Lệt, hay Bản Lệt như người dân nơi đây thường gọi, tách biệt hẳn với nhịp sống ồn ào của thành thị, mang trong mình vẻ đẹp bình yên, mộc mạc giữa núi rừng.
Có một miền bình yên
Hương Hóa đầu tháng ba, nắng chưa về. Không khí se lạnh, vương chút âm ẩm của đông. Bản làng nhỏ nép mình bên dòng suối trong veo, như lời ru êm ái của mẹ, đưa con vào giấc ngủ yên bình.
Ngủ ngoan a Kay ơi, ngủ ngoan giấc mơ đẹp.
Từ xa, tiếng Hà Lệt như một lời mời gọi, pha trộn những âm thanh vừa quen vừa lạ. Tiếng suối róc rách, tiếng chày giã gạo, tiếng cười đùa của trẻ thơ… xen lẫn tiếng gà rừng gáy, tiếng bò kêu rống trên đồi. Cổng làng cổ kính dẫn lối vào những ngôi nhà sàn san sát, đơn sơ bằng gỗ, tre nứa, hay điểm tô sắc màu đỏ, vàng. Dù với dáng vẻ nào, chúng đều mang đậm nét văn hóa miền núi, sừng sững giữa rừng xanh và mây trời.
Mùa này, hoa Xuyến Chi nở trắng khắp vùng núi. Loài hoa mỏng manh ấy lại vô cùng mãnh liệt, bám trụ vào mọi khoảng trống, tạo nên những thảm hoa trắng xóa. Hương hoa thoang thoảng, chỉ đủ để đàn ong và bướm say sưa vờn quanh.
Dọc đường, những đụi chuối, đụi củi từ rẫy về, ven suối là bóng dáng mấy cô, mấy dì giặt giũ, xách nước tưới rau. Sân nhà ai rộn rã tiếng cười của lũ trẻ thơ. Thấy chúng tôi, chúng xúm lại, ánh mắt tò mò dõi theo chiếc máy ảnh. Nụ cười rạng rỡ, má đỏ hây hây, đôi mắt trong veo như những chú mèo rừng, hồn nhiên xóa tan đi mọi khó khăn, thiếu thốn. Nụ cười ấy cũng là liều thuốc tinh thần, xoa dịu mệt nhọc của chúng tôi sau một hành trình dài.
Bếp lửa hồng hạnh phúc
Tiếng bùm bụp giã Ayơh vọng ra từ đâu đó, níu chân chúng tôi lại. Mùi thơm nếp thoang thoảng, quyện với hương vừng đen, lan tỏa khắp ngõ. Ayơh, món bánh truyền thống của người Bru-Vân Kiều, giản dị mà đậm đà. Gạo nếp mùa cạn được hấp chín, rồi cùng vừng đen vào cối giã đều tay. Hai ba người thay phiên nhau, giã đến khi bánh dẻo mịn, không còn dính tay. Những viên bánh nhỏ xinh, xanh đen, ẩn chứa vị béo bùi của gạo và hương thơm đặc trưng của vừng. Người bản địa xem Ayơh như bánh phu thê, tượng trưng cho tình yêu thuần khiết và sự gắn kết bền chặt, như chính hạt nếp dai dẻo, bền bỉ theo thời gian.
Bếp lửa rực hồng, bánh tro vừa hấp xong, khói đã len lỏi khắp bản, mờ ảo như sương đêm. Màn khói như che lấp cả ánh chiều muộn. Tíc tắc, bóng tối bao trùm, gió lạnh thổi nhè nhẹ. May mắn thay, chúng tôi được mời ngồi lại, quây quần bên ngọn lửa ấm áp, cùng nhau chuyện trò và nhâm nhi Ayơh.
Cụ Diên hơ tay trên ngọn lửa, đôi bàn tay nhăn nheo của người phụ nữ ngoài bảy mươi. Khói nghi ngút, phảng phất mùi khói bếp, lộ rõ nước da ngăm đen và những vết chai sạn. Chúng tôi lắng nghe cụ kể về rừng núi, về những tập tục xưa cũ, về những ngày đạn bom, về khai hoang lập nghiệp… Cụ kể như rót mật vào lòng, từng câu chuyện, từng lời thủ thỉ đều chứa chan tình cảm và sự ấm áp. Lúc ấy, chúng tôi mới hiểu, hạnh phúc đôi khi đơn giản chỉ là được lắng nghe, được tiếp nhận những câu chuyện đời, được vun vén thêm sự dày dặn cho tâm hồn. Ấm lòng, bởi ngọn lửa bập bùng và nụ cười hiền hậu của cụ Diên.
Chiều Hà Lệt yên bình đến lạ, như đại ngàn tĩnh lặng, như đứa trẻ ngủ ngoan trong vòng tay mẹ, như lời ru ngọt ngào đầy yêu thương.
Mặt trời của bắp nằm trên đồi, mặt trời của em, của mẹ, nằm trên lưng.